Sự nghiệp khoa cử Nguyễn_Văn_Lý_(nhà_Nguyễn)

Con đường học hành nhiều trắc trở

Theo sách "Đại Nam Liệt truyện", Nguyễn Văn Lý "từ nhỏ đã để chí vào việc học hành". Năm 14 tuổi (1808), ông theo học cụ Bùi Chỉ Trai, em Tham tụng triều Lê Bùi Huy Bích. Đến năm 18 tuổi (1812), ông theo học Bạch Trai Lê Hoàng Đạo, Tiến sĩ, Đốc học Hà Nội. Việc học hành đang thuận lợi thì vào năm 1817, mẹ Nguyễn Văn Lý bị bệnh nặng. Ông cùng em trai phải "đêm đêm [...] kê chiếc giường nhỏ bên cạnh để cùng chăm sóc, nghe ngóng bệnh tình của mẹ". Tháng 2 năm sau (Mậu Dần 1818) thì bà mất. Chôn cất mẹ xong, mới được vài tháng thì cha đổ bệnh, đến tháng 6 cũng qua đời. Trong "Tự truyện", ông kể: "Chỉ trong vòng có một năm mà gia đình có đến hai biến cố lớn, gia sản tổ tiên để lại có 4 mẫu ruộng bạc điền đã bán hết để lo việc tang". Để có tiền trang trải, Nguyễn Văn Lý đi dạy học và việc học hành thi cử của ông cũng bị chậm lại.

Thành danh

Năm 1822, ông thi Hương chỉ trúng Nhị trường. Sau đó, ông tìm theo học Tiến sĩ Lập Trai Phạm Quý Thích, Đốc học Cao Huy Diệu, Tri huyện Tiên Minh Nguyễn Trừng. Nhưng đối với Nguyễn Văn Lý, người thầy có ảnh hưởng đến ông lớn nhất là Lập Trai Phạm Quý Thích.

Được sự khuyến khích, dắt dẫn của thầy Phạm Lập Trai, tại khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825), 31 tuổi, Nguyễn Văn Lý đỗ cử nhân hạng ưu. cùng khoa này còn có Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan...

Sau khi hỏng thi Hội hai lần vào các khoa Bính Tuất (1826), Kỷ Sửu (1829), tới khoa Nhâm Thìn (1832) ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (ông Nghè).